Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử xã Đông Thái, huyện An Biên

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

(Đông Thái) Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)

Sáng ngày 27/7/2024, UBND xã Đông Thái long trọng tổ chức Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; thể hiện sự tri ân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, buổi họp mặt đã tổ chức phút mặc niệm tưởng nhớ.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu và các gia đình chính sách đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Với những hy sinh to lớn của mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Thái đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Hàng năm địa phương luôn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa bằng nhiều hoạt động phong phú như: lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viên, tặng quà và giúp đỡ về ngày công lao động. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện lòng tri ân của các cấp Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể đối với mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách, người có công cách mạng, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm việc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.  

                                                  Hoàng  Hiếu 

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở có được điều động lên cơ quan công an xã trực thường xuyên không?

 

Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định:
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Khoản 2 Điều 4 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định về Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định như sau:
Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

Căn cứ quy định tại Chương II Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm các nhiệm vụ sau theo quy định pháp luật:

1) Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự.
2) Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
3) Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4) Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội.
5) Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở.
6) Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Như vậy, việc điều động đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện theo các quy định đã trích dẫn ở trên.

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Văn bản hợp nhất Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

Tải bản đầy đủ 

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)


Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Ngày 27/7 hằng năm là dịp để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Phát huy truyền thống “ Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, thống nhất tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng.

Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta đời đời ghi nhớ sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Thiết thực kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) trong những ngày này các tổ chức, cá nhân và đoàn thể đã và đang tổ chức các hoạt động chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người. Đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và 7 “dám” của cán bộ, công chức


Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là lực lượng quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng, là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Do đó, việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.



Ý nghĩa của việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và “7 dám”


Khơi dậy, khuyến khích cán bộ, công chức phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung" luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhân tố, nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo động lực thúc đẩy để phát triển đất nước.

Đối với tinh thần đổi mới, sáng tạo: đổi mới là “thay đổi cho khác hẳn với trước, tiến bộ hơn, khắc phục tình trạng lạc hậu, trì trệ và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”. Sáng tạo là “tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần; tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có”. Trước sự vận động và phát triển của xã hội, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải luôn học hỏi và phát triển bản thân để thích ứng với tình hình mới; phải tiên phong phát huy và nắm giữ vai trò mở đường, dẫn dắt và kiến tạo phát triển trước những khó khăn, thách thức mới, chưa có tiền lệ.

Đối với tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung: trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc… khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Như vậy, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ là luôn trăn trở, tích cực tư duy, suy nghĩ về những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra từ nhu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đặc biệt là những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.


Dám nói, là thẳng thắn, tự tin bày tỏ, trình bày về những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, cũng như thể hiện quan điểm, lập trường của mình một cách cụ thể, khoa học mà không sợ bị chỉ trích hay trù dập. Dám làm, là mạnh dạn, chủ động đảm nhận và thực thi nhiệm vụ được giao; quyết tâm trong triển khai thực hiện những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ nhu cầu khách quan, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý. Dám chịu trách nhiệm, là luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, dám chịu trách nhiệm còn được hiểu là việc cán bộ dám chấp nhận và sẵn sàng gánh chịu những hậu quả xảy ra từ những rủi ro, thất bại trong quá trình thi hành nhiệm vụ được giao, thực hiện những sáng kiến của mình.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; tình trạng chủ nghĩa cá nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ; năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế; chế độ đãi ngộ, tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống


Giải pháp tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và “7 dám”

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, sứ mệnh của cá nhân đối với sự nghiệp đổi mới.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những CBCC đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh và uy tín gắn với kiên quyết loại bỏ những CBCC thiếu về phẩm chất đạo đức và năng lực, tinh thần đổi mới, làm cho cơ quan, đơn vị trì trệ, yếu kém.

Bốn là, có chính sách đãi ngộ cán bộ, từng bước đảm bảo và nâng cao đời sống. Đây chính là động lực về vật chất giúp CBCC có thể chuyên tâm cho công việc, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nâng cao động lực và hiệu quả làm việc, tinh thần cống hiến đội ngũ CBCC./. 

                                                                                                                                                          Hoàng Hiếu

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

(ĐôngThái) Tập huấn tổ khuyến nông cộng đồng năm 2024

Sáng ngày 08/07/2024, tại Hội trường UBND xã Đông Thái, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Biên tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho tổ Khuyến nông cộng đồng và Khuyến nông cộng đồng mở rộng trên địa bàn 2 huyện An Biên và An Minh.

Tham dự lớp tập huấn có 50 học viên là viên chức khuyến nông, Giám đốc họp tác xã, tổ họp tác của 02 huyện An Biên, An Minh tham dự.

Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức, tư duy và kiện toàn tổ chức khuyến nông cộng đồng ở cơ sở. Đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông ở địa phương.

Trong 03 ngày tập huấn, học viên sẽ được  tiếp thu các chuyên đề như: Tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất, kiến thức về tiêu chí nông thôn mới, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp… Qua đó góp phần nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ khuyến nông, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, tư vấn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ họp tác, tư vấn liên kế sản xuất theo chuổi giá trị, kết nối thị trường, tư vấn chính sách cho người dân.      

Thanh Tiền_Tổ KTKT Đông Thái