Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử xã Đông Thái, huyện An Biên
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khối chính quyền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khối chính quyền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2025

Ấp Kinh Làng Đông - Thêm điểm tựa tinh thần cho cộng đồng dân cư

 Chiều ngày 18/5/2025, tại ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức Lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong không khí ấm áp, nghĩa tình và phấn khởi.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào Khmer – dân tộc chiếm phần lớn dân cư tại địa bàn ấp.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện chính quyền xã Đông Thái khẳng định: “Việc hình thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ là một công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mà còn là nền tảng để gắn kết cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc”.

Với người dân ấp Kinh Làng Đông, từ lâu mong mỏi có một nơi sinh hoạt chung đã luôn hiện hữu. Giờ đây, điểm sinh hoạt văn hóa không chỉ giúp bà con có nơi để tổ chức hội họp, sinh hoạt chi hội – chi đoàn, mà còn tạo điều kiện để duy trì các hoạt động văn nghệ dân gian, rèn luyện thể dục thể thao và giáo dục thanh thiếu nhi.

Đáng chú ý, ngay trong lễ ra mắt, bà con trong ấp đã cùng nhau tham gia các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc Khmer, tạo nên không khí vừa rộn ràng, vừa đậm đà bản sắc.

Ông Danh Phúc, một người dân trong ấp, chia sẻ: “Có điểm sinh hoạt văn hóa, tụi tôi thấy phấn khởi lắm. Trẻ con có chỗ để học múa hát, thanh niên có nơi sinh hoạt đoàn, người lớn tuổi thì có chỗ để gặp gỡ, trò chuyện. Đây là điều rất quý”.

Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa thường xuyên, điểm sinh hoạt còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng giữa người dân và chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, hướng đến một cộng đồng phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với sự chung tay góp sức của toàn thể bà con nhân dân, sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể, tin rằng Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấp Kinh Làng Đông sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, làm giàu thêm đời sống tinh thần và lòng tự hào dân tộc của nhân dân nơi đây.

Hoàng Hiếu 


Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

Treo Cờ Tổ Quốc – Biểu Tượng Thiêng Liêng Của Lòng Yêu Nước và Niềm Tự Hào Dân Tộc

Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng không chỉ là biểu tượng của một quốc gia, mà còn là linh hồn của dân tộc, là kết tinh của bao máu xương, khát vọng và tự hào suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Mỗi lần lá cờ được treo cao trong gió chính là lúc lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ, niềm tự hào dân tộc được lan tỏa sâu rộng.

Treo cờ Tổ quốc là một hành động tưởng như bình dị, nhưng mang trong mình thông điệp lớn lao. Đó là lời tri ân những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Đó là sự khẳng định chủ quyền, tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Mỗi lá cờ bay phấp phới trên mái nhà, con phố, trường học hay công sở... đều là hình ảnh đẹp, thiêng liêng, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người.

Đặc biệt vào những dịp lễ lớn như Quốc khánh 2/9, 30/4, Tết Nguyên đán hay ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, việc treo cờ Tổ quốc không chỉ mang tính nghi thức mà còn là biểu hiện của tinh thần dân tộc sống động. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: mỗi người Việt, dù ở nông thôn hay thành thị, dù ở trong nước hay nơi đất khách, đều chung một nguồn cội, một tình yêu với Tổ quốc thân yêu.

Treo cờ là một việc làm đơn giản, nhưng hãy treo bằng cả sự trang trọng và lòng kính trọng. Hãy để lá cờ Tổ quốc luôn được đặt ở vị trí trang nghiêm, sạch sẽ, thẳng thớm – như chính lòng tự hào và trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước này.

Bởi lẽ, yêu nước không phải là điều gì cao xa. Yêu nước bắt đầu từ những điều gần gũi nhất – như chính hành động treo một lá cờ đỏ sao vàng trước ngôi nhà mình.

Hoàng Hiếu 

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2025

Sàng lọc cán bộ, công chức sau sáp nhập xã đảm bảo hiệu quả hoạt động bộ máy

 

Tinh Gọn Bộ Máy, Nâng Cao Hiệu Quả

Sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực và loại bỏ những cá nhân yếu kém. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để tinh gọn bộ máy, mà còn nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo kế hoạch, việc sáp nhập xã sẽ làm giảm đáng kể số lượng cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn: làm sao để lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ năng lực đảm nhiệm công việc trong mô hình quản lý mới?

Bộ máy hành chính hiện đại trong kỷ nguyên số


Tiêu Chí Lựa Chọn Cán Bộ Sau Sáp Nhập

Việc đánh giá và sàng lọc cán bộ sau sáp nhập sẽ dựa trên các tiêu chí chính như:

  • Trình độ chuyên môn: Cán bộ phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhiệm vụ trong bộ máy mới.
  • Hiệu quả công tác: Những cá nhân có thành tích nổi bật, năng lực điều hành tốt sẽ được giữ lại và bố trí phù hợp.
  • Đạo đức công vụ: Sự tận tụy, trách nhiệm với công việc và nhân dân là yếu tố quan trọng trong đánh giá.
  • Khả năng thích ứng với mô hình quản lý hiện đại: Cán bộ phải sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý hành chính.

Các Bước Sàng Lọc, Đánh Giá

Để đảm bảo công bằng, minh bạch trong quá trình lựa chọn, các địa phương sẽ triển khai nhiều biện pháp cụ thể:

  • Rà soát, đánh giá toàn diện cán bộ, công chức: Hội đồng đánh giá sẽ xem xét hồ sơ, năng lực thực tế và thành tích công tác của từng cá nhân.
  • Tổ chức sát hạch hoặc thi tuyển lại: Một số địa phương có thể áp dụng hình thức sát hạch để kiểm tra năng lực cán bộ.
  • Sắp xếp, điều chuyển công tác: Những người có năng lực sẽ được bố trí công việc phù hợp, còn những cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu có thể được luân chuyển hoặc đào tạo bổ sung.
  • Thực hiện tinh giản biên chế: Những cán bộ không đạt yêu cầu sẽ được giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế, có thể hưởng chế độ hỗ trợ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Đảm Bảo Quyền Lợi Và Hỗ Trợ Cán Bộ Sau Sáp Nhập

Nhận thức được những khó khăn có thể phát sinh, Chính phủ và các địa phương đã lên phương án hỗ trợ cho các cán bộ bị tinh giản. Các chính sách đào tạo lại, hỗ trợ tài chính hoặc hướng nghiệp sẽ được triển khai để giúp họ thích nghi với công việc mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp một cách thuận lợi.

Bên cạnh đó, các cán bộ giữ lại cũng sẽ được đào tạo chuyên sâu về quản lý hành chính, công nghệ số, kỹ năng phục vụ người dân nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền sau sáp nhập hoạt động hiệu quả nhất.

Việc sáp nhập xã không chỉ là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính mà còn là cơ hội để xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu quả hơn. Công tác sàng lọc cán bộ sau sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp lựa chọn những người thực sự có năng lực để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công tác đánh giá và sắp xếp cán bộ sau sáp nhập sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Hoàng Hiếu


 

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Công đoàn cơ sở xã Đông Thái tổ chức họp mặt 25 năm ngày Quốc tế đàn ông

Công đoàn cơ sở xã Đông Thái vừa tổ chức họp mặt kỷ niệm 25 năm Ngày Quốc tế Đàn ông (19/11/1999 - 19/11/2024). Đây là lần thứ hai xã Đông Thái tổ chức sự kiện này, nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp to lớn của nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Mở đầu buổi họp mặt là giải giao lưu bóng chuyền sôi nổi, thu hút sự tham gia của 6 đội đến từ các đơn vị: Công đoàn cơ sở xã Đông Thái, công an xã, phòng cháy chữa cháy, các ấp và doanh nghiệp trên địa bàn xã. Các trận đấu không chỉ mang đến những pha bóng đẹp mắt mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các vận động viên.


Buổi họp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, đầy ý nghĩa với sự tham dự của đông đảo cán bộ, công nhân viên và người dân trong xã. Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại ý nghĩa của Ngày Quốc tế Đàn ông, đồng thời lắng nghe những chia sẻ, giao lưu về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong cuộc sống hiện đại.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện lãnh đạo xã Đông Thái nhấn mạnh: "Ngày Quốc tế Đàn ông không chỉ là dịp để tôn vinh mà còn là cơ hội để chúng ta khẳng định sự bình đẳng và cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển bền vững."



Chương trình khép lại với những tiết mục văn nghệ đặc sắc và phần trao thưởng cho các đội bóng chuyền xuất sắc. Hoạt động lần này không chỉ mang lại niềm vui, sự gắn kết mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm và niềm tự hào trong mỗi cá nhân.

Công đoàn cơ sở xã Đông Thái sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động ý nghĩa này trong những năm tới, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, hạnh phúc và tiến bộ.

Hoàng Hiếu



Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

(Đông Thái) Hoàn thành công tác chuẩn bị bầu cử Trưởng ấp nhiệm kỳ 2024-2029

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử Trưởng ấp nhiệm kỳ 2024 – 2029, với 3.721 cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn xã Đông Thái đang chờ ngày được bỏ phiếu bầu chọn ra người đủ đức, đủ tài để thay mặt chính quyền cấp cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ quản lý xã hội ở địa bàn dân cư.

Theo kế hoạch cuộc bầu cử Trưởng ấp nhiệm kỳ 2024-2029 trên địa bàn xã Đông Thái sẽ được tiến hành đồng loạt vào sáng ngày 01/09/2024, tại 13 điểm bỏ phiếu ở các ấp. Để công tác bầu cử đảm bảo diễn ra dân chủ, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và đúng pháp luật, UBND xã Đông Thái đã phân công thành viên Ban chỉ đạo phối hợp các ấp thực hiện các bước chuẩn bị bầu cử đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu về chất lượng như: công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử; công tác lập danh sách cử tri; đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết tiêu chuẩn của người ứng cử để theo dõi và bầu ra những người có đủ đức, đủ tài đại diện nhân dân trong nhiệm kỳ mới.

Qua công tác hiệp thương giới thiệu nhân sự, mỗi ấp có 2 ứng cử viên để cử tri lựa chọn bầu cử lấy 01 người. Tổng số người ứng cử trên địa bàn là 26 người, trong đó có 03 ứng cử viên nữ; 12 người tái cử; 100% là đảng viên, trình độ Đại học 03 người, chiếm 11,54%, Trung cấp 12 người, chiếm 46,15%; ứng cử viên cao tuổi nhất là 64 và thấp tuổi nhất là 23 tuổi. Hầu hết các ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm đề cử là những người có tâm huyết trong các hoạt động tại ấp. 

Đến nay toàn xã đã thành lập được 13 tổ bầu cử, mỗi tổ có 09 thành viên đã được hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ cho công tác bầu cử. Danh sách người ứng cử được niêm yết tại các khu vực bỏ phiếu, các tổ dân cư đã họp dân để thông tin về ngày bầu cử, địa điểm bầu cử; hướng dẫn cử tri đại diện hộ gia đình thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Trong thời gian thực hiện các bước bầu cử, Ban chỉ đạo xã thường xuyên kiểm tra tiến độ, công tác chuẩn bị của từng ấp, để có sự uốn nắn, khắc phục hạn chế kịp thời; bên cạnh đó công tác tuyên truyền cũng được triển khai đồng bộ bằng các hình như cổ động trực quan, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội đoàn thể…

Thông qua lá phiếu của mình, cử tri các ấp trên địa bàn xã sẽ lựa chọn được người xứng đáng đại diện cho nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Hoàng Hiếu

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

(Đông Thái) Tổ chức “điểm” Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024

Chiều ngày 15/8/2024, tại UBND xã Đông Thái, Ban tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Đông Thái tổ chức “điểm” Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024.

Đến dự ngày hội có lãnh đạo công an huyện, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cấp huyện; thành viên ban chỉ đạo cấp xã; đại diện các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; các cơ sở tôn giáo và đại diện ban chỉ đạo của 08 xã, thị trấn về dự.

Phát biểu ôn lại truyền thống của lãnh đạo công an xã

Đại biểu dự ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2024

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đông Thái đã triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ) toàn diện, sâu rộng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hóa  nội dung, hình thức; với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xã chú trọng xây dựng các mô hình tự quản về ANTT, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, được duy trì, củng cố và nhân rộng, điển hình như:  mô hình “Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư”; mô hình “camera an ninh”, “ánh sáng an ninh”; mô hình “tiếng loa an ninh”... Qua công tác tuyên truyền và thực hiện các mô hình, nhân dân đã phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời nhiều vụ án phức tạp, góp phần giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn.

Để duy trì và tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong tham gia đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Dịp này, UBND xã đã tặng giấy khen cho 03 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn xã Đông Thái.


Hoàng Hiếu


Thứ Hai, 12 tháng 8, 2024

(Đông Thái) Hướng dẫn Quy trình bầu Trưởng ấp, khu phố theo Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở


         Theo Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, Nghị định này quy định việc bầu Trưởng ấp được thực hiện như sau:

Bước 1: Công tác chuẩn bị bầu Trưởng ấp

-Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

+Ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng ấp; chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng ấp.

+Ban bành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng ấp sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở ấp làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và đại diện hộ gia đình ở ấp, (không phải là người ứng cử Trưởng ấp).

Các quyết định phải được thông báo đến Nhân dân ở ấp, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của ấp và thông báo trên hệ thống truyền thanh hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện của địa phương chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử.

- Đối với Trưởng ban công tác Mặt trận ấp

Trưởng ban công tác Mặt trận ở ấp tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở ấp dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng ấp; báo cáo cấp ủy chi bộ ấp để thống nhất giới thiệu ít nhất 01 người ra ứng cử Trưởng ấp; tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở ấp sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ ấp để quyết định danh sách chính thức những người ứng cử (ít nhất 01 người). 

Nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản theo mẫu số 05 kèm theo Nghị định 59/2023/NĐ-CP và gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.

Bước 2: Tiến hành bầu Trưởng ấp

Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu Trưởng ấp, thông tin về cuộc họp phải được thông báo trước ít nhất 02 ngày bằng: Giấy mời, thông báo trực tiếp, hệ thống truyền thanh… và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của ấp.

- Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình cuộc họp; giới thiệu người làm thư ký cuộc họp.

- Đại diện Ban công tác Mặt trận ở ấp giới thiệu danh sách người ứng cử do Ban công tác Mặt trận ở  ấp đã thống nhất với cấp ủy chi bộ ấp và đề nghị đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử/đề cử người có đủ tiêu chuẩn để tham gia bầu.

- Lựa chọn biểu quyết bằng hình thức giơ tay/bỏ phiếu kín để người tham dự biểu quyết lựa chọn.

+ Biểu quyết giơ tay: Kết quả biểu quyết được kiểm đếm ngay tại thời điểm biểu quyết và được ghi vào biên bản cuộc họp.

+ Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, người chủ trì cuộc họp đề xuất số lượng và danh sách Ban kiểm phiếu từ 03 - 05 người (gồm Trưởng ban và các thành viên) để đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

+ Ban kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, cách ghi phiếu, bỏ phiếu và tiến hành phát phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu (mời 02 đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp chứng kiến việc kiểm phiếu) và lập biên bản kiểm phiếu. Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp.

- Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết đối với từng nội dung biểu quyết và kết luận cuộc họp. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng các hình thức văn bản: Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư trong đó thể hiện rõ nội dung quyết định của cộng đồng dân cư.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

 

Bước 3: Công nhận kết quả bầu cử

Trong thời hạn 05 làm việc ngày kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử Trưởng ấp hoặc quyết định bầu lại; trường hợp không ban hành quyết định công nhận hoặc quyết định bầu lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Trưởng ấp chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

Hoàng Hiếu

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

(Đông Thái) Hoàn thành công tác Bầu cử Tổ trưởng, tổ phó, thư ký Tổ nhân dân tự quản nhiệm kỳ 2024 - 2026

Ngày 08/08/2024, xã Đông Thái đã hoàn thành công tác bầu cử Tổ trưởng, tổ phó, thư ký Tổ nhân dân tự quản nhiệm kỳ 2024 – 2026 trên địa bàn 13/13 ấp.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Bầu cử xã Đông Thái, toàn xã có 102 tổ nhân dân tự quản phải tiến hành bầu cử Tổ trưởng, tổ phó, thư ký nhiệm kỳ 2024 – 2026.

Trong thời gian 04 ngày, từ ngày 05/08 đến 08/08/2024 các ấp đồng loạt tổ chức bầu cử cho 102 tổ NDTQ theo quy trình hướng dẫn. Kết quả đã bầu được 102 Tổ trưởng, 102 tổ phó và 102 thư ký Tổ NDTQ, trong đó tỷ lệ người tái cử chiếm trên 60%.

Điểm bầu cử Tổ NDTQ ấp Trung Quý

Điểm bầu cử Tổ NDTQ ấp Thành Trung

Điểm bầu cử Tổ NDTQ ấp Phú Lâm

Việc bầu cử Tổ NDTQ trên địa bàn xã Đông Thái có vai trò quan trọng ở cơ sở. Đây là những vị trí công tác tương tác trực tiếp và thường xuyên với người dân về những vấn đề diễn ra tại cộng đồng dân cư.

Hoàng Hiếu 

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

(Đông Thái) Rà soát cán bộ, công chức dùng Chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge International không hợp pháp


Ngày 26/7/2024, UBND huyện An Biên đã ban hành công văn số 589/UBND-NCPC yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ liên quan đến tổ chức Cambridge International.

Trước đó, Bộ Nội vụ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức có kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên tổ chức Cambridge International. Đây là tổ chức thành lập không đúng quy định của pháp luật.

Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ nội vụ thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tiến hành kiểm tra, rà soát và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp mang tên tổ chức Cambridge International. Trường hợp phát hiện cán bộ sử dụng chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc cấp chứng chỉ tiếng Anh.

Theo đó, từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, các bị can trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị can sử dụng danh nghĩa tổ chức Cambridge International chấp thuận cho Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) bằng hình thức thi online và cấp chứng chỉ mang tên tổ chức Cambridge International.

Hoàng Hiếu

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

(Đông Thái) Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)

Sáng ngày 27/7/2024, UBND xã Đông Thái long trọng tổ chức Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; thể hiện sự tri ân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, buổi họp mặt đã tổ chức phút mặc niệm tưởng nhớ.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu và các gia đình chính sách đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Với những hy sinh to lớn của mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Thái đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Hàng năm địa phương luôn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa bằng nhiều hoạt động phong phú như: lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viên, tặng quà và giúp đỡ về ngày công lao động. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện lòng tri ân của các cấp Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể đối với mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách, người có công cách mạng, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm việc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.  

                                                  Hoàng  Hiếu 

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Văn bản hợp nhất Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

Tải bản đầy đủ 

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)


Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Ngày 27/7 hằng năm là dịp để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Phát huy truyền thống “ Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, thống nhất tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng.

Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta đời đời ghi nhớ sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Thiết thực kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) trong những ngày này các tổ chức, cá nhân và đoàn thể đã và đang tổ chức các hoạt động chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người. Đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay.